Kể từ bộ phim ra mắt năm 2016 – The Handmaiden (Ah-ga-ssi) – bộ phim Hàn Quốc mà mình thích nhất, thì đến năm 2022, “quái kiệt điện ảnh” Park Chan-Wook bất ngờ quay trở lại với bộ phim Decision to Leave (tạm dịch: Quyết tâm rời bỏ – tên dịch ngoài rạp: Quyết tâm chia tay), ngỡ tưởng như là một bộ phim tâm lý tình cảm Hàn Quốc bình thường nhưng lại bất ngờ giành giải “Best Director” tại Cannes Film Festival 2022.

Mình đi xem Decision to Leave với một sự hoài nghi lớn. Thứ nhất là mình không thích chủ đề tình cảm, nhất là chủ đề tình cảm Hàn Quốc (dẫu rằng vẫn có những phim tâm lý tình cảm mình thích như Burning); và thứ hai là khi xem trailer, mình không thấy có gì kịch tính, cuốn hút hay mang tính cách Park Chan-Wook. Nhưng nếu như có 2 lý do để mình không hứng thú thì Decision to Leave cũng có 2 lý do để mình đi xem: thứ nhất, có nhiều review nói rằng đây là một bộ phim trinh thám chứ không chỉ thuần tình cảm; và thứ hai: đó chính là đạo diễn Park Chan-Wook. Ông là đạo diễn đầu tiên thay đổi cách nhìn nhận của mình về “phim ảnh” Hàn Quốc không chỉ có K-drama, với bộ phim Old Boy. Lúc bấy giờ, điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc chưa có Bong Joon-Ho, chưa có Train to Busan, chưa có Squid Game và những TV series do Netflix sản xuất. Old Boy là một bộ phim táo bạo, giật gân, máu me và cú plot twist khiến cho bất cứ ai xem cũng phải nổi da gà. Bởi vậy, dù cho Bong Joon-Ho có chiến thắng Best Picture tại Oscar với Parasite, mình vẫn xếp Parasite sau 2 bộ phim của Park Chan-Wook và coi Park như đạo diễn số 1 Hàn Quốc.

Decision to Leave quả thật không phải một bộ phim dễ xem, cũng không gây sốc hay có những plot twist nổi da gà như Oldboy hay The Handmaiden. Bộ phim này ít máu me hơn, ít bệnh hoạn hơn, nhưng lại có nhịp phim chậm, với nhiều chi tiết mang tính biểu tượng và đào sâu vào tâm lý của những con người trong cuộc sống thường ngày. Bởi vậy, chắc chắn Decision to Leave không phù hợp với khán giả đại chúng. Những khán giả kỳ vọng vào yếu tố tình cảm lãng mạn trong Decision to Leave chắc chắn sẽ thất vọng, mà những khán giả tìm đến Decision to Leave nhằm thưởng thức một bộ phim trinh thám giật gân có lẽ cũng sẽ thất vọng luôn.

Vậy cái hay của Decision to Leave là gì? Nếu bạn đã từng xem những phim như In the Mood for Love của Vương Gia Vệ, Eyes Wide Shut của Stanley Kubrick và thích những bộ phim này, có lẽ bạn sẽ thích Decision to Leave.
Với vỏ bọc trinh thám, Decision to Leave khắc tả tâm lý của hai con người có tình cảm với nhau nhưng trong một mối quan hệ oái oăm: nam thám tử Hae-jun đã có vợ, nhưng không hạnh phúc trong hôn nhân, nảy sinh tình cảm với nghi phạm Seo-rae bị tình nghi giết chồng. Cả hai từ từ có tình cảm với nhau, dù chưa một lần nói yêu, dù không có quan hệ xác thịt, chúng ta đều cảm nhận được tình cảm từ cả hai phía. Biết rằng mối quan hệ đó, tình cảm đó là sai trái, nhưng cả hai không dừng lại được, chỉ cho đến cuối cùng, họ hiểu ra rằng mối quan hệ đó cũng giống như núi và biển cả, chẳng bao giờ đến được với nhau. Đó là lúc họ “decision to leave”.
Ở đây, mình muốn dịch Decision to Leave là “quyết tâm rời bỏ” thay vì “quyết tâm chia tay” bởi mình thấy cụm từ tiêu đề phim này phù hợp nhất khi được sử dụng bởi nữ chính Seo-rae (thay vì là nam chính Hae-jun như giới thiệu phim), khi ở phân đoạn cuối, cô đã “decision to leave”, với nghĩa “leave” là rời bỏ chứ không chỉ là chia tay. Chi tiết hơn mời bạn đọc tiếp phần nội dung bên dưới nhé.
Lưu ý: Phần tiếp sau đây có thể tiết lộ nội dung phim
Trong Decision to Leave, hai nhân vật Hae-jun và Seo-rae là trung tâm. Hae-jun mở đầu phim được khắc họa là một thám tử cảnh sát tận tụy, quyết leo lên vách núi cheo veo, nhập tâm vào nạn nhân để phá án. Anh cũng là một con bệnh tâm lý khi không hạnh phúc với cuộc sống hôn nhân và bị mất ngủ. Người ta thường mất ngủ vì công việc còn Hae-jun đi làm việc (trực đêm) vì mất ngủ. Mới đầu ta sẽ tưởng tượng Hae-jun như thám tử Rust trong True Detective – mẫu thám tử lạnh lùng, cô độc, quyết tâm phá án đến cùng. Nhưng khi gặp Seo-rae, Hae-jun mới trở lại nguyên mẫu là một con người bình thường. Anh ta dễ dàng phải lòng nghi phạm, thậm chí sau này khi đã điều tra ra chân tướng vụ án và Seo-rae là thủ phạm, Hae-jun còn quyết định sẽ bỏ qua cho cô gái ấy. Điều này khiến cho khi xem phim, mình có phần không thích Hae-jun, bởi mình thích mẫu nhân vật như Rust trong True Detective. Nhưng chính sự thay đổi này khiến cho Decision to Leave lạ hơn và “đời” hơn.

Trong khi đó, Seo-rae là một người phụ nữ vừa bí ẩn, vừa thông minh, sắc xảo và thậm chí là xảo quyệt. Ta luôn thấy điều gì đó cuốn hút ở nhân vật này. Từ ánh nhìn đầy tình tứ, nụ cười bí hiểm đến cách ăn nói khôn ngoan, nước đôi và đầy ẩn ý. Có lẽ bởi thế, Hae-jun ngày càng bị cuốn sâu vào vòng xoáy và không thể thoát ra.

Ngỡ tưởng Seo-rae cố ý mê hoặc Hae-jun, điển hình là hành động xức nước hoa khi nghỉ giữa giờ giải lao trong buổi thẩm vấn, nhưng không, càng xem, ta càng thấy Seo-rae có tình cảm thật sự với Hae-jun, thậm chí còn yêu anh ta hơn cả anh ta yêu cô nữa. Điều này là đi ngược lại với motif những phim trinh thám có nhân vật nữ nghi phạm bí hiểm, sắc xảo, ví dụ như Gone Girl. Trong Decision to Leave, ta vừa thấy thương, vừa thấy sợ lại vừa thấy yêu Seo-rae. Có lẽ chính vị thám tử mẫu mực Hae-jun ngày nào cũng cảm nhận thấy điều này. Ở bên Seo-rae, thậm chí chỉ cần theo dõi cô, Hae-jun cũng có thể được ngủ ngon như em bé, điều mà anh khao khát bấy lâu nay.
Hai nhân vật Hae-jun và Seo-rae được xây dựng theo hai biểu tượng hoàn toàn khác nhau. Hae-jun vốn là một thám tử kiên định, có thể leo núi, mang tính cách của ngọn núi cao khô khan, cứng nhắc. Seo-rae vượt biển để đi từ Trung Quốc sang Hàn Quốc, nói rằng cô thích biển, sau cùng cũng ra đi ở biển, là người mang tính cách biển cả: linh hoạt, bí ẩn, vô định. Hai tính cách vừa bù trừ nhau mà lại vừa đối đầu nhau, tạo thành một vòng xoáy âm dương không thể nào dứt.

Yếu tố trinh thám đặc sắc nhất trong Decision to Leave là khi Hae-jun – tưởng như đã thở phào nhẹ nhõn vì Seo-rae không phải thủ phạm và đang hạnh phúc trong mối quan hệ ngoài luồng không tên này, lại bất chợt tìm ra bằng chứng chứng minh Seo-rae là thủ phạm. Một bằng chúng đơn giản từ app đo chỉ số sức khỏe của bà cụ già mà Seo-rae chăm sóc. Một cụ già nhưng lại leo đến hơn 180 tầng vào cái ngày mà chồng của Seo-rae bị chết khi đi leo núi. Hóa ra Seo-rae đã lợi dụng bà cụ già đãng trí, tráo đổi điện thoại để điện thoại của mình không bị GPS ghi nhận là đã rời khỏi viện dưỡng lão. Sau khi điều tra xong và cầm bằng chứng trên tay, Hae-jun tìm đến nhà Seo-rae. Tất cả nín thở theo dõi chuyện gì xảy ra tiếp theo. Hae-jun thay vì truy tố, lại quyết định tha cho Seo-rae, đưa cho Seo-rae bằng chứng và bảo cô “hãy ném xuống biển sâu, nơi không ai tìm được”.
Hae-jun rời bỏ Seo-rae với trái tim tan vỡ. Đó là lúc bộ phim chuyển sang phase 2, với cuộc sống sau đó của cả hai người. Hae-jun quay trở lại với cuộc sống hôn nhân nhàm chán của mình, tiếp tục mất ngủ và héo mòn khi không có những vụ án. Seo-rae lấy một người chồng khác, một kẻ lừa đảo. Ở phase 2 này chuyển có phần khá nhanh, khiến cho nhiều khán giả ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì xảy ra tiếp theo, như thể đây là 2 bộ phim hoàn toàn khác vậy. Dẫu vậy, chúng ta sẽ được quay trở lại mạch phim chính khi cả hai nhân vật gặp lại nhau ở một thành phố nhỏ xa lạ, nơi cả 2 cùng rời đến vốn dĩ là để chạy trốn khỏi nhau.
Lúc này đây, người chồng thứ hai của Seo-rae lại bị sát hại, và ngay lập tức, Hae-jun tìm kiếm bằng chứng chứng minh Seo-rae là thủ phạm. Khi xem đến đây, mình đã nghĩ rằng Seo-rae không phải thủ phạm, mà bị Hae-jun định kiến vì quá khứ đã xảy ra. Cuối cùng thì mình vừa đúng lại vừa sai. Seo-rae không phải thủ phạm thật, nhưng cô ta là người đã giật giây để thủ phạm kia giết chồng mình, bằng cách giết một người khác. Dẫu rằng người mà Seo-rae giết là một bà cụ bị bệnh chờ chết, đã rất vui mừng khi “được” chết, Seo-rae vẫn chịu trách nhiệm về hai mạng người trong vụ án người chồng thứ hai này, và thực ra là bốn mạng người, khi tính cả chồng cũ và người mẹ mà cô ta đã giết trước đó khi ở quê nhà. Seo-rae có phải một kẻ giết người không ghê tay hay không?

Bộ phim không cho chúng ta một câu trả lời chính xác. Seo-rae luôn có lý do chính đáng để làm và luôn tỏ ra đáng thương. Điều này khiến người xem kỹ tính sẽ coi cô ta là một kẻ đóng vai nạn nhân, đang thao túng tâm lý (gaslighting) những người xung quanh. Seo-rae cứ giết người này đến người kia một cách “có lý do chính đáng”, cũng giống như câu thoại trong phim:
Giết người cũng giống như hút thuốc, chỉ khó khăn khi làm lần đầu
Vậy Seo-rae phải chăn chỉ là kẻ đóng vai nạn nhân và đang thao túng tâm lý những người xung quanh? Ta tưởng rằng như vậy, nhưng vì Park Chan-Wook xây dựng nhân vật này quá xuất sắc, ta sẽ không chắc chắn về điều đó. Bởi sau cùng, Seo-rae có vẻ lấy đi hai mạng người một cách bất đắc dĩ để bảo vệ Hae-jun – người mà cô yêu, và rồi cô “decision to leave” cả người mà cô yêu lẫn cuộc sống này.
Hãy ném xuống biển sâu, nơi không ai tìm được
Đây là câu thoại mà Hae-jun nói với Seo-rae khi đưa cô vật chứng phạm tội. Trong phim, câu này cũng mang hàm nghĩa về điều mà cả hai nên làm đối với mối quan hệ của họ. Seo-rae nghe đi nghe lại câu nói này trong bản ghi âm mà cô đặt tên là “vụn vỡ” – dựa trên câu nói của Hae-jun khi nói về cảm xúc của mình. Và cũng như câu thoại đó, Seo-rae quyết định tìm đến biến khơi – nơi cô thuộc về. Đó là lý do mình chọn dịch Decision to Leave là “Quyết định rời bỏ”, bởi Seo-rae không chỉ chia tay Hae-jun (mà thực ra đã là gì của nhau đâu mà chia tay), cô lựa chọn rời bỏ Hae-jun, rời bỏ cuộc sống và rời bỏ cả những tội lỗi mà mình đã gây ra. Seo-rae lựa chọn một cái chết rất “chill”: đào hố ở ngoài bãi biển, ngắm hoàng hôn và đợi thủy triều lên. Cái kết này theo mình khá trọn vẹn với Seo-rae nhưng có phần dang dở và đau đớn cho Hae-jun, khi anh tới tận bãi biển tìm kiếm nhưng mãi mãi không bao giờ còn gặp lại người mình yêu. Sau khi xem xong, mình bước ra khỏi rạp với một cảm xúc buồn buồn, đúng như khung cảnh bãi biển lúc chiều tối, khi thủy triều đã lên và ngập hết bãi biển vậy.

Về tình cảm giữa Hae-jun và Seo-rae, về luân thường đạo lý, đó là mối quan hệ ngoài luồng sai trái. Cả hai đều biết điều này, khán giả cũng biết điều này, nhưng chúng ta đều là con người bị chi phối bởi cảm xúc, khi trái tim lên tiếng thì lý trí cũng phải lặng im. Mình cũng không phán xét rằng mối quan hệ này là tốt hay xấu, đúng hay sai và có lẽ chính sự nhập nhằng giữa đạo đức và tình cảm, trái tim và lý trí đó cũng làm nên cái hay cho những bộ phim như Decision to Leave, In the Mood for Love, Eyes Wide Shut…

Về phần hình ảnh, dẫu rằng không lung linh như những phim Hàn gần đây (Itaewon, Squid Game) Decision to Leave lại đẹp theo kiểu tình tình, buồn buồn và tâm trạng. Bộ phim có sử dụng những động tác máy fast zoom in, fast zoom out giống như các phim trinh thám cổ điển, khiến mình liên tưởng tới các phim của Alfred Hitchcock. Tuy nhiên mình không thích động tác máy kiểu này cho lắm.
Đặc sản của Decision to Leave là cách kể chuyện và dựng phim độc đáo. Ta hãy thử tưởng tượng rằng mình đang nói chuyện với 1 người nhưng đầu óc và tâm trí ta đang liên tưởng tới một bộ phim mà nhân vật trong phim nói chuyện giống với người đang nói chuyện với mình. Cách kể chuyện và dựng phim của Decision to Leave khiến ta cảm thấy như thể đang đi sâu vào trong đầu của nhân vật.

Nhưng đặc sắc nhất của Decision to Leave phải kể đến yếu tố nhân vật và diễn xuất. Nếu như Park Chan-Wook đã xây dựng nhân vật cực hay, thì chính bộ đôi diễn viên chính đã thổi hồn vào hai nhân vật này. Mình ấn tượng nhất với nhân vật Seo-rae và diễn xuất của nữ diễn viên người Hoa Tang Wei. Nếu mình không phải khán giả và biết những điều xấu xa cô ta làm qua “góc nhìn thượng đế”, có lẽ mình cũng không tránh khỏi phải lòng nhân vật này.

Một cách khách quan, Decision to Leave là một bộ phim hơi khó xem, hay, nhân vật được xây dựng rất tốt, nhưng về cốt truyện không phải xuất sắc. Với cốt truyện và ý nghĩa như này, mình thấy chưa bằng Oldboy, The Handmaiden, Parasite. Tuy nhiên, cách đạo diễn phim tỉ mỉ, với nhiều tình tiết ẩn ý đã tạo nên thành công của Park Chan-Wook nói riêng và bộ phim nói chung. Có lẽ bởi vậy, ông đã giành được giải “Best Director” tại Cannes lần này.
Theo mình, Decision to Leave giá trị nhất ở câu thoại và thông điệp, cũng là cái kết cuối cùng của bộ phim:
Hãy ném xuống biển sâu, nơi không ai tìm được
