Một giai thoại từng kể lại rằng, Franz Kafka trước lúc qua đời, đã dặn người bạn thân Max Brod hãy đốt hết những gì Kafka viết. Sau khi người bạn thân qua đời, Max Brod đã không làm theo mà đem đi tự xuất bản. Nhờ vậy, chúng ta mới có một đại văn hào Franz Kafka như hiện nay. Tôi tự nhủ, liệu Kafka – người từng cho rằng những gì mình viết là những thứ hoang tưởng không đáng giá, cần phải đem đốt, sẽ nghĩ thế nào khi Hóa Thân (Metamorphosis) – tác phẩm truyện dài ngắn nhất của ông – đã trở thành kiệt tác văn học và là nguồn cảm hứng để gần 1 thế kỷ sau, hậu thế vẫn nhắc đến, thậm chí còn dựng một vở kịch múa trường phái biểu hiện đầy nghệ thuật dựa trên tác phẩm của ông?
Như một cái duyên tình cờ, đêm qua tôi đã được xem vở kịch múa Metamorphosis của Royal Opera House (Nhà hát Opera hoàng gia Anh ở London) khi nhà hát danh tiếng này phát trực tiếp trên Youtube để ủng hộ #stayathome phòng chống dịch covid-19. Là một người yêu mến Kafka và rất thích Metamorphosis (bạn đọc có thể đọc review Metamorphosis tại đây), tôi đã không bỏ qua vở kịch múa này, và thật bất ngờ, vở kịch múa khiến tôi ngỡ ngàng bởi tính nghệ thuật của nó.
Đầu tiên phải kể đến tình tiết mà vở kịch múa của Royal Opera House đã thay đổi so với bản gốc của Franz Kafka. Nếu như phiên bản truyện gốc bắt đầu bằng cảnh nhân vật chính Gregor Samsa tỉnh dậy và phát hiện ra mình đã biến thành một con bọ khổng lồ – thì trong vở kịch múa này, câu chuyện bắt đầu khi Gregor còn là người bình thường. Anh có 3 ngày đi làm, về nhà như cuộc sống hàng ngày, trước khi thảm kịch xảy ra. Đây có lẽ là thay đổi lớn nhất so với phiên bản truyện, nhưng cần thiết và góp phần làm nổi bật bi kịch trong sự biến đổi của Gregor, giúp khán giả cảm nhận được trọn vẹn cuộc sống xoay vòng vô vị, buồn tẻ, rập khuôn của Gregor. Vào ngày thứ 3 của chuỗi ngày lặp đi lặp lại, trời đã đổ mưa. Dưới cơn mưa tầm tã và điệu nhạc buồn bã, Gregor vẫn đi làm nhưng có thể thấy sự chán chường cùng cực trong anh. Chính ngày cuối cùng như đẩy Gregor đến giới hạn của sự chịu đựng này đã đẩy kịch tính lên cao khi sáng hôm sau, tiếng người rao cà phê sáng mà Gregor vẫn mua trên đường đi làm, tiếng còi tàu hỏa Gregor đi làm đã reo lên, nhưng Gregor vẫn đang nằm trên giường, chân tay giơ thẳng lên trời, không thể cựa quậy được. Anh đã biến thành con bọ trong cảnh mở đầu cuốn sách của Franz Kafka.
Khác với phần lớn mọi người tưởng tượng, vở kịch múa không hề dùng hóa trang để biến Gregor thành một con bọ gợi hình, mà diễn viên Edward Watson sử dụng chính cơ thể của mình, hành động ngôn ngữ hình thể, uốn mình theo những cách quái dị để gợi tả về một con bọ trong tâm trí khán giả. Ngôn ngữ hình thể mà Edward thể hiện là quá sức độc đáo.
Thậm chí, không chỉ biểu hiện ở chân tay mà diễn xuất khuôn mặt của Edward cũng thể hiện một vẻ thảng thốt vô hồn, mà nhìn vào đó tựa hồ như đang nhìn vào mặt một con bọ chứ chẳng phải người. Trong bài phỏng vấn sau vở kịch, Edward đã nói rằng khi diễn vai diễn Gregor, anh cảm nhận hoàn toàn mình hoàn toàn không phải là người (inhuman), đó chính là lỗi diễn xuất method acting, mà Edward đã thực hiện xuất sắc trong vở kịch nghệ này.
Những điệu múa là điều không thể thiếu trong vở kịch múa Metamorphosis. Khác với những điệu múa cổ điển mà ta đã quen như múa ballet hay Hồ Thiên Nga, Metamorphosis sử dụng vũ đạo hoàn toàn sáng tạo theo cốt truyện. Đó là những điệu múa “inhuman” của Edward trong vai Gregor, hay điệu múa kết hợp của cô em gái Gregor với anh ta khi cô em gái cố gắng giúp Gregor gỡ tay chân và đứng dậy.
Cũng như phiên bản truyện gốc, vở kịch múa Metamorphosis đã tôn trọng cảm xúc gốc, khi truyền tải đúng mood & tone của Franz Kafka, đó là sự độc đáo kỳ dị, và cũng là sự đáng thương của Metamorphosis. Tôi từng xem những tác phẩm chuyển thể, mà mới đây nhất là The Call of the Wild (Tiếng gọi nơi hoang dã), khi chuyển thể lên người ta thay đổi hoàn toàn mood & tone của tác phẩm gốc, khiến cho bản chuyển thể mang một sắc thái khác, có thể khiến cho người yêu mến tác phẩm gốc phật lòng.
Tính phi lý đậm chất Kafkaesque cũng được vở kịch múa khắc họa qua các tình tiết như: bà mẹ vẫn tập thể dục sau khi Gregor hóa thành côn trùng, người phụ nữ giúp việc không hề sợ hãi mà chỉ xua đuổi Gregor để hoàn tất công việc…
Những phân cảnh khắc họa sự đáng thương của Gregor được vở kịch múa tập trung khắc họa khá nhiều, vừa thông qua diễn xuất của Edward, vừa thông qua âm nhạc. Những bản nhạc buồn não nề, hay kịch tính, đã tạo cảm xúc cho Metamorphosis, giúp khán giả xem vở kịch múa mà lòng mang nặng cảm xúc.
Xét về tính nghệ thuật biểu hiện trong vở kịch múa, không chỉ có những điệu múa mang tính thể hiện (ví dụ như khi em gái của Gregor đỡ Gregor dậy, cả hai đã thực hiện những điệu múa tương tác mang tính biểu hiện thay vì hành động thực tế – điều mà người không quen xem các tác phẩm nghệ thuật thường gọi là “kịch”).
Trường phái biểu hiện (Expressionism) là một trường phái nổi tiếng trong nghệ thuật Châu Âu cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20 (cùng thời đại với Franz Kafka), khi những nghệ sĩ nhấn mạnh, thậm xưng trong các tác phẩm để tập trung khắc họa cảm xúc của chủ thể. Có thể thấy rằng trường phái biểu hiện không cần tư duy thực tế, không nhằm diễn tả thực tế, mà cường điệu hóa lên để phục vụ mục đích nghệ thuật cao nhất là thể hiện cảm xúc. Những điệu múa trong Metamorphosis là như vậy. Bên cạnh đó, qua vở kịch ta còn thấy nó được diễn tả qua các yếu tố, đó là thiết kế bối cảnh, ánh sáng và âm nhạc.
Thiết kế bối cảnh sân khấu của Metamorphosis là một trong những thành công lớn nhất của đạo diễn Arthur Pisa cùng nhà thiết kế Simon Daw. Không gian chính là căn phòng của Gregor cùng phòng khách căn nhà đều được dàn phẳng trên sân khấu. Giữa các bối cảnh nội-ngoại đều được ngăn cách nhau bằng những bức tường và cánh cửa vô hình, nơi mà khán giả có thể chứng kiến toàn bộ, còn nhân vật thì không. Vở kịch đã khéo léo sử dụng những âm thanh như tiếng gõ cửa, tiếng khóa cửa, cùng với hành động nhân vật và ánh sáng (đánh vào như thể cửa được mở ra) để tạo nên tính thực tế cho những bức tường và cánh cửa vô hình. Ở đây, ta có thể linh cảm được rằng dường như các nhân vật đang tự ngăn cách mình bởi những bức tường và cánh cửa, trong khi thực tế thì chúng hoàn toàn không có thật.
Bên cạnh hai bối cảnh chính là phòng ngủ Gregor và phòng khách, những bối cảnh ngoại là đường đi làm của Gregor, ga tàu hỏa cũng được thiết kế gợi cảm hơn gợi tả (gợi cảm mưa bằng âm thanh và việc các nhân vật mang ô, áo mưa; gợi cảm ga tàu hỏa bằng khói và tiếng còi tàu).
Có thể nói, các yếu tố thiết kế bối cảnh, cùng ánh sáng đã tạo nên những khung hình tuyệt đẹp, mang đậm tính nghệ thuật cho vở kịch múa Metamorphosis. Nếu như ban đầu, đó là một vẻ đẹp của sự sắp xếp, khi mọi đồ đạc đều được sắp xếp gọn gàng, trong tone màu trắng, mang đậm chất “lối sống tối giản” thì ở những trường đoạn về sau, nét đẹp đã chuyển sang nét đẹp của sự hỗn loạn, khi căn phòng bị bôi loang lổ bởi thứ dung dịch đen tựa như dầu luyn, nhưng lại mang vẻ đẹp tương tự như những người họa sĩ. Cả gian phòng của Gregor như một bức tranh trừu tượng, được vẽ ra từ sự đau khổ trong biến đổi của người đàn ông từng sống như một cỗ máy.
Diễn xuất trong một bối cảnh giả, mang tính gợi cảm, thì điều khiến khán giả cảm thấy chân thật nhất, đó chính là âm thanh. Đây là phong cách kịch nghệ hiện đại Broadway mà chúng ta từng chứng kiến trong bộ phim chiến thắng Best Motion Picture: Birdman. Âm thanh trong kịch nghệ nói chung và Metamorphosis nói riêng, đều mang tính chân thật cao, khiến khán giả thực sự chìm đắm vào không gian tưởng giả mà thật ấy. Và với Metamorphosis, một điều làm nên cảm xúc nữa, đó chính là âm nhạc, như tôi đã đề cập đến ở trên.
Nếu có đoạn nào trong vở kịch múa tôi không thích, thì đó là đoạn múa của gia đình Gregor với 3 người khách thuê trọ. Nếu bạn từng đọc tác phẩm gốc, bạn sẽ hiểu đây là 3 người khách thuê trọ ở nhà Gregor – được bố Gregor cung phụng nhưng đến cuối, khi Gregor chết, thì ông đuổi chúng đi. Trong vở kịch nghệ, do bị giới hạn trong cách kể, nên vở kịch nghệ không làm rõ được vai trò của ba người này, không nói được ba người đó là ai, có thể khiến khán giả cảm thấy khó hiểu và thừa thãi.
Những một điều đáng lưu tâm, đó là chính đoạn 3 vị khách (múa hát vui vẻ có vẻ lạc mood & tone của vở kịch), lại là cần thiết để tạo sự tương phản giữa Gregor bi kịch cùng những người bên ngoài căn phòng, mà cũng là nguồn kích thích cho phân cảnh cao trào, khi Gregor bị cuốn hút bởi tiếng nhạc vui nhộn, đã ra khỏi căn phòng, để rồi gây kinh hãi cho những người xung quanh.
Ở đoạn này, có thể thấy rõ sự thay đổi của người em gái. Trước đây, em gái Gregor đã muốn cứu anh mình, đem đồ ăn vào cho anh. Đó là những phân cảnh xúc động nhưng đến nay, không gì khác trong cô em gái ngoại trừ sự sợ hãi và căm ghét. Điều này có thể hình dung rằng ban đầu, khi Gregor mới biến đổi, người thân vẫn còn thương anh ta vì nghĩ đó là Gregor, nhưng thời gian qua, dưới hình hài con bọ và cư xử như con bọ, Gregor đã khiến người thân trong gia đình nhìn nhận thực sự như là một con bọ, không gì khác ngoài ghê tởm và phiền toái.
Sau phân đoạn cao trào, Gregor quay trở lại căn phòng, chui ra cửa sổ tự sát. Đây lại là một sự sáng tạo nữa của vở kịch múa. Trong tác phẩm gốc, Gregor đã kiệt sức và chết khô trong phòng. Sau cái chết của Gregor, những người thân của anh được giải thoát khỏi gánh nặng, quyết định xuống phố dạo chơi vui vẻ, và chuẩn bị mua căn nhà mới. Phân đoạn này đã không có trong vở kịch. Trong vở kịch múa, Gregor chui ra cửa sổ tự sát, sau đó những người trong gia đình vào căn phòng, nhìn ra ngoài cửa đầy thương tiếc. Sự thay đổi này có đôi phần làm ảnh hưởng đến thông điệp của Kafka, nhưng tôi tin rằng dễ hiểu hơn, phù hợp với khán giả đại chúng, nhất là những người chưa từng đọc Kafka hơn.
Tôi tin rằng Franz Kafka sẽ rất tự hào nếu biết được rằng gần 1 thế kỷ sau, tác phẩm Metamorphosis của mình lại là nguồn cảm hứng để được những người nghệ sĩ hậu thế như Arthur Pita, Edward Watson… thực hiện một vở kịch múa biểu hiện đầy tính nghệ thuật như này. Với cá nhân tôi, đây là một trải nghiệm nghệ thuật rất đặc sắc, đặc biệt về trải nghiệm thị giác và diễn xuất của diễn viên. Tôi yêu vở kịch múa này, cũng nhiều như tình yêu tôi dành cho tác phẩm gốc của Franz Kafka.
Các bạn quan tâm có thể xem lại vở kịch múa tại đây: