Du ký: Hàn Quốc 2019 (Phần 3)

Ngày 3 (23/05/2019): Lạc mình trong làng cổ Bukchon Hanok – Hiệu sách Yangsikdang – Cuộc đua đến Dong Daemun – Mắc kẹt tại ga Myeong Dong – Một mình giữa chợ đêm

Vậy là đã bước sang ngày thứ 3 tôi ở Hàn Quốc. Chỉ còn một ngày hôm nay và thêm một ngày mai nữa thôi, tôi sẽ không còn ở đây nữa. Bởi vậy, lúc này, mục tiêu chính của tôi là phải tìm ra hiệu sách để có thể mua một cuốn sách Hàn Quốc về làm kỷ niệm.

Như ngày hôm trước, chúng tôi lại khởi hành từ 7:30 sáng. Lúc này đây ở Hà Nội mới chỉ là 5:30, và đã lâu lắm rồi tôi không dậy sớm như vậy. Tôi nói đùa với V.H. rằng chúng ta đang ngủ theo giờ Việt Nam (chúng tôi thường thức đến khoảng 2 giờ sáng, tức khoảng 12:00 Việt Nam) và dậy theo giờ Hàn Quốc, ám chỉ chúng tôi ngủ ít hơn bình thường.

Trước khi lên xe, tôi mang theo cuốn sách “Hãy chăm sóc mẹ” của Shin Kyung-Sook chụp ở ga Singil. Trong truyện, cũng có đoạn mẹ của nhân vật chính bị lạc ở ga tàu điện ngầm.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi hôm nay là một trung tâm nhân sâm của Hàn Quốc. Đây là một trong những điểm đến bắt buộc khi tham quan theo tour, họ thường dẫn ta đến những điểm mua sắm như một phần thỏa thuận với các trung tâm bán lẻ, và đó cũng là điểm mà tôi không thích du lịch theo tour cho lắm.

Cùng với mỹ phẩm, nhân sâm là một trong những đặc sản của Hàn Quốc. Người ta thường nhắc đến sâm Hàn Quốc như quốc hồn quốc túy, là một loại thực phẩm chức năng tựa tiên dược giúp người Hàn Quốc khỏe mạnh và trường thọ. Cũng bởi sự nổi tiếng này, nhân sâm là một trong những loại đặc sản xuất khẩu nổi tiếng của Hàn Quốc. Có người còn nói Hàn Quốc thậm chí còn giữ lại một loại sâm quý hiếm, dành riêng cho người Hàn Quốc chứ không xuất khẩu ra bên ngoài.

Ở trung tâm nhân sâm, có một vài hình trưng bày người ta khắc lên sâm theo hình tướng Yi Sunshin, chiến hạm của ông cùng những hình độc đáo, thú vị khác.

Sau khi chiêm ngưỡng những tạo vật từ sâm, chúng tôi được dẫn lên khu vực mua sâm. Tại đây, do không có nhu cầu nên nhóm trẻ chúng tôi đi ra ngoài.

Chúng tôi đến một con ngõ gần đó, nơi mà con đường dốc ngược như trong bộ phim Parasite (lúc này chưa công chiếu). Ở những thành phố lớn ở Việt Nam không có những con ngõ dốc như vậy. Bởi vậy, những con ngõ dốc này thực sự rất lạ lùng, mang đến nét đặc trưng của Seoul. Chúng tôi chụp ảnh tại con ngõ này trong lúc chờ cả đoàn mua sâm xong xuôi.

Thời gian chờ đợi khá lâu, phải đến gần trưa mọi người mới mua xong. Thực sự, nhân sâm là một loại quà biếu phù hợp với người lớn tuổi, nhưng không phù hợp với người trẻ như tôi. Một phần vì nhu cầu của chúng tôi chưa dùng đến, một phần cũng bởi giá thành của sâm rất đắt. Những thầy cô trong đoàn khi mua sâm về làm quà, tiền quà thường lên đến chục triệu, có người vài chục triệu, còn lớn hơn cả tổng số tiền đi du lịch Hàn Quốc của tôi.

Trên đường đi, tôi lại ngắm nhìn đường phố Hàn Quốc. Tôi để ý thấy ở Seoul có trồng rất nhiều hoa hồng. Hoa hồng phổ biến ở Seoul giống như hoa giấy phổ biến ở Hà Nội vậy.

Thời tiết hôm nay có nắng và nóng hơn hôm qua. Dù thích thời tiết lạnh hơn, nhưng đường phố Seoul dưới ánh nắng vàng nhìn cũng rất đẹp.

Điểm đến thứ hai của chúng tôi là một trung tâm thương mại, nơi trưng bày các loại rong biển và hướng dẫn cách làm kim chi. Đây cũng là một địa điểm xúc tiến thương mại khác, với mục đích chính là để cho khách du lịch ghé qua và mua hàng. Nhưng ít ra, ở điểm đến này hấp dẫn tôi hơn bởi tôi thích ăn các món chế biến từ rong biển như rong biển khô để cuộn gimbab, sushi, hay canh rong biển. Tôi cũng đang định mua rong biển làm quà khi về nhà, bởi đây cũng là món quà đặc trưng ở xứ sở kim chi. Ngoài ra, ở điểm đến này, chúng tôi cũng được xem cách làm kim chi – món thức ăn phổ biến nhất ở Hàn Quốc.

Sau khi rời trung tâm thương mại hướng dẫn làm kim chi, chúng tôi đi ăn trưa. Bữa trưa hôm nay chúng tôi dùng tại một cửa hàng đậm chất địa phương (local) tại một khu phố cổ gần làng cổ Bukchon Hanok.

Bước vào quán ăn, tôi đã thấy một nét xưa cũ, với mái nhà ngói, cột gỗ, bàn gỗ, và menu đồ ăn cũng khắc trên gỗ. Phải nói rằng Seoul vừa là thành phố hiện đại, phát triển, vừa giữ được những nét xưa cũ để bảo tồn văn hóa, đồng thời phát triển du lịch.

Trong suốt bữa ăn, tôi vẫn tìm kiếm xem xung quanh có hiệu sách nào không. Trên bản đồ có một tiệm sách cách đây một quãng khoảng vài cây số, tôi định ăn xong sớm tranh thủ chạy qua đó xem nhưng có vẻ sẽ không kịp, bởi ngay sau khi cả đoàn ăn xong, chúng tôi sẽ đến Bukchon Hanok.

Trong số những địa điểm tham quan mà tôi được đến ở Hàn Quốc, có lẽ làng cổ Bukchon Hanok là nơi tôi cảm thấy thú vị nhất. Ngôi làng cổ nằm ở phía Bắc so với Gyeongbukgung. Cái tên Bukchon Hanok cũng có nghĩa là “làng Hanok ở phía Bắc”. Ngôi làng có mặt từ thời đại Joseon, là nơi ở của các quan chức triều đình cấp cao và giới quý tộc, bởi vậy được xây dựng với những ngôi nhà nhỏ mà vững chắc, đẹp đẽ; tường gạch, mái lợp ngói âm dương có trang trí, cổng gỗ hoặc kim loại. Nhiều nhà có sân vườn còn trồng các loại cây và hoa rất bắt mắt.

Trải qua thời chiến tranh nhưng Bukchon Hanok có lẽ không bị ảnh hưởng bởi ngôi làng nằm trên một ngọn đồi cao hơn hẳn so với mặt bằng chung thành phố. Đến ngày nay, có lẽ chính phủ Hàn Quốc cũng vừa có những chính sách bảo tồn giá trị truyền thống, vừa cho phép người dân tu sửa, xây dựng trong hạn chế, bởi vậy nếu nhìn lướt qua, ta vẫn thấy đó là một ngôi làng cổ, với mái ngói lợp âm dương, tường gạch; nhưng nếu để ý kỹ, thì có rất nhiều nét hiện đại ở nơi này.

Ở Việt Nam, ta cũng có phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội và một khu làng cổ là làng cổ Đường Lâm. Tôi rất thích phố cổ Hội An. Đây là một nơi lưu giữ dấu ấn hội phố Faifo nổi tiếng từ thế kỷ XVIII, dù cho những ngôi nhà ở Hội An có niên đại muộn hơn nhiều, thì ở Hội An vẫn lưu giữ những nét xưa cũ của một thời vàng son.

Xem thêm: Đà Nẵng-Hội An: Những nền văn minh trong quá khứ 

Khác với Hội An – giữ được những kiến trúc cổ và xây dựng cải thiện không đáng là bao, phố cổ Hà Nội lại lộn xộn hơn. Những ngôi nhà cổ bị xây tầng lên theo đủ mọi loại kiến trúc, mãi sau này chính quyền mới đưa ra những chính sách không cho người dân tự ý xây sửa. Nhưng phố cổ Hà Nội lại là một khu vực giao thông quan trọng và trung tâm buôn bán thành phố, khác với Hội An chỉ thuần du lịch. Bởi vậy, cuộc sống của người dân phố cổ Hà Nội gặp nhiều bất tiện khi nhà cửa đã xuống cấp. Dù không lưu giữ được nét cổ như Hội An, có lẽ chính sự lộn xộn lại tạo nên một nét rất riêng cho phố cổ Hà Nội. Đó là những ngôi nhà một, hai tầng, với tầng một là cửa hàng lưu niệm, quần áo, điện thoại…., tầng hai là lan can, cửa sổ, mái ngói kiểu cũ. Đó là những hàng hoa giấy vắt từ mái nhà sang dây điện, cột điện. Đó là xe máy, ô tô, người đi bộ lẫn lộn hết với nhau trong những con ngõ nhỏ như mê cung…

Nếu như Hội An và phố cổ Hà Nội luôn tấp nập khách du lịch, thì có lẽ Đường Lâm giữ được giá trị truyền thống nhất. Làng cổ Đường Lâm cách xa Hà Nội, cũng không thương mại nên giữ nét cổ truyền thống. Tuy nhiên, những bức tường, mái nhà, giếng nước, cây đa, sân đình nơi đây đã đậm chất rêu phong, cũ kỹ.

Khác với Đường Lâm hay Hội An hay phố cổ Hà Nội, Bukchon Hanok vừa giữ được nét cổ kính truyền thống, vừa mới mẻ như vừa được xây xong, mà lại không quá đông khách du lịch.

Trên thực tế, Bukchon Hanok cũng có nhiều người tham quan, dù lúc đó là giữa trưa. So với kỳ vọng của tôi: muốn chụp những bức hình làng cổ Bukchon Hanok không có những người khách tham quan hiện đại, thì số lượng khách tham quan ở Bukchon Hanok vẫn đông. Nhưng nếu so với phố cổ Hà Nội hay Hội An, thì nơi này vắng hơn nhiều. Ít ra, ở Bukchon Hanok tôi có thể chờ đợi và căn để chụp những ảnh không người. Còn ở phố cổ Hà Nội hay Hội An thì điều đó là không thể.

Làng cổ Bukchon Hanok nằm trên ngọn đồi nên đường làng ngõ xóm cũng lên dốc, tạo nên điều thú vị cho ngôi làng này. Những con ngõ đều lát gạch nên nhìn có vẻ rất sạch sẽ, khang trang, mà cũng không làm mất đi vẻ đẹp cổ trang. Nhưng không phải chỗ nào cũng lát gạch. Có chỗ thì trải nhựa, có chỗ đường bê tông. Có chỗ đường còn đang sửa, người ta chắn đường không cho đi qua ngõ đó, du khách phải đi vòng sang đường khác.

Một điều thú vị là chính quyền địa phương khuyến khích du lịch nhưng vẫn chú trọng bảo vệ đời sống người sống ở phố cổ. Khắp các căn nhà đều có biển báo giữ im lặng, làm ơn không làm phiền. Thậm chí còn có một chú mặc áo vàng, cầm biển, giống như kiểu biểu tình, với thông điệp hãy giữ im lặng.

Tôi đi bộ vòng quanh làng cổ, hoàn toàn tách đoàn để thăm thú ngôi làng cổ và chụp những bức ảnh tại đây. Để chụp ảnh không người, tôi đã phải đợi người ta đi qua, dưới cái nắng gắt như nắng hè ở Hà Nội. Thời tiết ở Seoul mùa này cũng nắng nóng, nhưng là nắng khô, ít đổ mồ hôi, và lạ là nắng chang chang nhưng môi vẫn nẻ.

Trong làng cổ không chỉ có những ngôi nhà kín cổng cao tường. Một số nhà được cho thuê, chuyển đổi thành quán cafe, cửa hàng lưu niệm, hoặc homestay. Có nhà thì làm nghề truyền thống hoặc thủ công nghệ, cho du khách vào tham quan. Tiếc rằng không có nhiều thời gian, nếu không tôi đã có thể ngồi lại một quán cafe trong khu nhà cổ để thưởng thức cafe ở nơi tuyệt vời này.

Đi một lát tôi đi ra bên ngoài đường sát triền đồi, nơi mà chẳng có du khách nào đi tới đó. Nơi này giống như bên rìa của làng. Họ đã rào lại bằng lan can, từ đây có thể nhìn thấy được Gyeongbukgung bên dưới và những tòa nhà cao tầng ở xa.

Khung cảnh con đường triền đồi có lan can chắn này khá đẹp, trông giống như trên mấy phim anime của Nhật vậy.

Sau này, về Việt Nam, tôi có vẽ ký họa một bức dựa trên ảnh chụp này.

Sau khi đi một vòng quanh Bukchon Hanok, tôi quay trở ra. Tại đây, tôi gặp H. và H. nói với tôi là search được một hiệu sách gần đây. Chúng tôi đi bộ ra ngoài phố tới hiệu sách đó. Hiệu sách cách Bukchon Hanok tầm 300 mét. Khi đến nơi, tôi rất đỗi vui mừng, bởi cuối cùng cũng tìm được một hiệu sách để mua cuốn sách xuất bản bằng tiếng Hàn về làm kỷ niệm.

Tôi bước vào hiệu sách, có hai người Hàn ở trong hiệu sách. Một người phụ nữ chừng ngoài ba mươi, và một bạn nữ trẻ hơn, khoảng độ tầm tuổi tôi. Họ đang nói chuyện với nhau, thấy tôi bước vào thì ngừng lại. Tôi bắt đầu hỏi họ bằng tiếng Anh, rằng tôi muốn mua một cuốn sách. Họ hỏi tôi muốn mua sách gì nhưng tôi cũng chưa biết. Tôi nói rằng tôi muốn mua một cuốn sách gì đó có tính văn hóa, hoặc văn học. Tôi có lấy cuốn “Hãy chăm sóc mẹ” của Shin Kyung-Sook làm ví dụ. Có lẽ vì bạn nữ thấy bìa cuốn Shin Kyung-Sook nên biết tôi là người Việt Nam nên gợi ý tôi mua cuốn sách gì đó của Hàn được dịch ra tiếng Việt, bày ở trong hiệu sách, nhưng tôi bảo rằng tôi muốn mua một cuốn sách tiếng Hàn về làm kỷ niệm.

Dù trong những ngày trước đây, tôi có giao tiếp với người Hàn rồi nhưng đây là lần đầu tiên tôi giao tiếp nhiều như vậy. Cả hai phía đều dùng tiếng Anh bồi, không chuẩn mực. Sau đó, cả H. cũng đến giúp tôi. Bốn người chúng tôi cùng nhau tìm kiếm giải pháp cho một nhu cầu khá mông lung của tôi. Có lúc chị người Hàn (có vẻ là chủ hiệu sách hoặc người quản lý ca đó) gợi ý cho tôi quyển Kingdom, chị ấy nói bộ phim này khá nổi tiếng, được Netflix chuyển thể. Tôi biết Kindom, tôi cũng có Netflix, tôi thích xem phim, nhưng không thích phim zombie nên không thích Kingdom cho lắm. Rồi hai người họ gợi ý cho tôi hàng loạt sách khác nhau. Có lúc là sách tôn giáo, có lúc là sách non-fiction. Có quyển nội dung về văn hóa đúng như tôi muốn nhưng hình thức sách lại không đẹp lắm. Tôi có lựa được cuốn sách nấu ăn, cũng tạm được, nhưng vẫn muốn tìm thêm. Có quyển hoàn toàn đáp ứng mọi yêu cầu của tôi, nhưng giá lại cao quá. Cứ như vậy, chúng tôi nói chuyện và tìm sách với nhau phải đến mười lăm phút. Đôi lúc, tôi cảm giác liệu mình có hơi phiền phức và khó hiểu, nhưng tôi vẫn tập trung nhiều hơn vào điều tôi đang tìm kiếm.

Sau nhiều đoạn hội thoại, có lúc hai bên thậm chí còn không hiểu ý nhau, cuối cùng, bạn nữ tìm được cho tôi một cuốn sách mà tôi ưng ý. Đó là một cuốn thơ của Chung Ho-seung. Bạn nữ nói rằng tác giả này khá nổi tiếng ở Hàn Quốc. Bìa cuốn sách màu trắng, nhìn mang phong cách minimalism, bên trong cũng thiết kế lay out đơn giản, tinh tế, nên tôi rất thích.

Cuối cùng, tôi quyết định mua cuốn sách với giá 10.000 won (tương đương khoảng 200.000đ). Đây là mức giá rất phải chăng. Nhiều cuốn sách xuất bản tiếng Việt còn đắt hơn, và so với một cuốn sách ngoại văn thường có mức giá từ 300-400.000đ lên đến cả triệu, thì cuốn ngoại văn “xách tay” này không hề mắc một chút nào.

Tôi cảm ơn hai người Hàn ở hiệu sách. Bạn nữ nói rằng không có gì, bạn ấy cảm thấy rất vui vì giúp được tôi. Có lẽ trường hợp giống như tôi không thường xuyên xảy ra ở hiệu sách ấy, dù cho hiệu sách nằm ngay gần khu du lịch. Xong xuôi, bạn nữ đeo ba lô ra về trước. Đến giờ, tôi vẫn không rõ bạn nữ đó có phải nhân viên hiệu sách không. Có thể chỉ là một người bạn của chị bán hàng ở hiệu sách, qua chơi, nói chuyện. Có thể là sinh viên làm part-time, giờ hết ca nên về. Sau này, tôi tìm kiếm google mãi thì mới tìm ra được hiệu sách đó, tên là Yang Sik Dang.

Sau khi mua được cuốn sách, tôi và H. lại bị trễ giờ. 14:30 chúng tôi phải tập trung nhưng giờ đã là 14:35. Chúng tôi chạy thục mạng về lại điểm tập kết, may sao mọi người vẫn chưa tập hợp đông đủ nên vẫn chưa vội vàng thúc giục chúng tôi.

Ở trên xe, tôi lấy điện thoại, dùng app để dịch thử mấy bài thơ trong cuốn sách. Trong đó có bài thơ chính, được đặt tên cho cuốn sách. Tên bài thơ dịch ra là “To the daffodil” (Gửi hoa thủy tiên). Tôi cũng tìm được một bản dịch tiếng Anh của Brother Anthony và Susan Hwang cho bài thơ đó:

Don’t cry.
To be lonely is to be human
To go on living is to endure loneliness
Do not visit in vain for the phone call that never comes
When snow falls, walk on the snowy paths
When rain falls, walk on the rainy paths
A black-breasted long bill is watching you from the beds of reed
Sometime even God is so lonely, he weeps
Birds perch on branches because they are lonely
And you are sitting beside the stream because you are lonely
The hill’s shadow comes down to the village once a day because it, too, is lonely
And a bell’s ring resounds because it, too, is lonely
 
Dưới đây là bản dịch sang tiếng Việt của tôi, dịch từ bản tiếng Anh:
 
Đừng khóc nhé
Có cô đơn mới là con người
Có sống cũng để khám phá sự cô đơn
Sao phải hoài công chờ cuộc gọi chẳng bao giờ tới
Nếu trời đổ tuyết, hãy bước trên con đường tuyết rơi
Nếu trời đổ mưa, cứ giữa cơn mưa mà bước tới
Kìa sau rặng lau, chú chim mỏ dài đang trông ngóng
Đến Chúa cũng khóc khi cảm thấy cô đơn
Biết sao chim đậu thành đàn không, chúng thấy cô đơn đó
Và bạn ngồi bên dòng suối này, vì chẳng thấy tốt hơn
Mỗi ngày một lần, ngọn đồi đổ bóng xuống làng vì quá đơn độc
Tiếng chuông vọng lại, cũng bởi chúng quá cô đơn.

Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là một trung tâm tinh dầu thông đỏ. Lại một điểm đến mua sắm khác. Trên đường đi, chúng tôi đi qua một con đường có tên World Cup buk-ro, có lẽ liên quan tới kỳ World Cup 2002 tổ chức tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

Khi đoàn vào trong trung tâm tinh dầu thông đỏ thì nhóm người trẻ chúng tôi đợi ở bên ngoài. Lúc đó là đầu giờ chiều, trời nắng hanh nên khá mệt mỏi. Chúng tôi vào một cửa hàng tiện lợi gần đó, mua đồ ăn vặt, nước uống nghỉ ngơi nói chuyện. Xong rồi chúng tôi ra ngoài. V. L. và chị N. H. chơi gắp thú còn tôi ngồi lại ngắm nhìn đường phố. Ở bên cạnh có một cửa hàng bán đồ cho thú cưng có ghi cả chữ tiếng Việt với nội dung dễ thương như này:

Một điểm tôi thích thú đó là ở bên đường có rất nhiều điểm để xe đạp mà người dân có thể “mượn” xe ở đây. Tôi không rõ họ sẽ làm thẻ hàng tháng hay mỗi lần mượn lại trả phí, nhưng việc mượn xe đạp thuận tiện tại nhiều điểm khác nhau này giúp cho người ta sử dụng xe đạp nhiều hơn, trong trường hợp không có ô tô mà đường đi bộ lại xa. Ở Hàn Quốc rất ít xe máy, chỉ có vài người giao hàng là đi xe máy, còn lại đa phần người dân đi ô tô và đi bộ, sử dụng phương tiện giao thông công cộng là tàu điện ngầm và xe bus.

Nhắc đến tàu điện ngầm và xe bus, ngay sau đó, chúng tôi đã có một cuộc đua đầy thú vị. Sau khi đoàn ra khỏi trung tâm tinh dầu thông đỏ, chúng tôi tách đoàn. Tất cả hẹn nhau ở điểm đến kế tiếp là Dong Daemun để mua sắm và ăn bữa tối. Nhóm chúng tôi lúc này có 8 người, cộng thêm một chị nữa cũng trẻ nhưng không thuộc nhóm chúng tôi, mà muốn tách đoàn nên đi cùng. Chúng tôi đứng trên vỉa hè, bàn nhau xem nên đi ô tô hay tàu điện ngầm. Lúc bấy giờ, chúng tôi đang cách Dong Daemun khá xa. Chị T. N. H. và anh N. H. thì cho rằng đi bus sẽ nhanh hơn và dễ dàng hơn, tàu điện ngầm nhầm line có thể bị lạc đi rất xa. Trong khi đó T. T. – người có kinh nghiệm từng đi tàu điện ngầm ở Thâm Quyến lại nói rằng đi tàu điện ngầm nhanh hơn. Cả hai bên cùng bảo vệ ý kiến và cuối cùng, chúng tôi quyết định tách đoàn làm hai. Một bên là chị T. N. H. và anh N. H. ; một bên là T. T. Những người còn lại chọn bên để đi theo. Tôi quyết định chọn theo bên chị T. N. H. và anh N. H. bởi một phần cũng lo ngại nhầm line tàu điện ngầm, trong khi đi bus có thể dễ dàng check bản đồ trên kakao. Đi bus cũng ngắm đường phố được nhiều hơn, và tôi thích như vậy. Thêm nữa, chị T. N. H. là cựu du học sinh Singapore, còn anh N. H. cũng là cựu hướng dẫn viên, từng đi Cuba, Pháp, Tokyo… nên có kinh nghiệm dày dặn. Vậy là chúng tôi chia làm 2 nhóm để đua xem ai đến Dong Daemun trước. Nhóm tôi gồm 4 người: tôi, chị T. N. H., anh N. H. và T. H. Nhóm bên kia gồm 5 người còn lại.

Sau khi tách nhóm, mỗi nhóm đi một hướng. Chúng tôi đến điểm chờ xe bus để chờ. Ở điểm chờ xe bus có ghi bản đồ các tuyến. Phải nói là ở Seoul nhiều tuyến bus hơn hẳn Hà Nội. Các ký hiệu cũng lên đến số cộng với chữ cái đến chữ E mất. Ví dụ như xe 34 sẽ có 34A, 34B, 34C, 34D, 34E… Chúng tôi phải lên đúng xe, bởi chỉ cần khác chữ cái thôi là “sai một ly đi một dặm”. Sự thực là chờ bus khá lâu, có lẽ thời gian chờ bus lâu hơn thời gian chờ tàu điện ngầm. Khi chúng tôi lên được xe rồi và đi đến điểm dừng tiếp theo thì ở ngay gần đó có ga tàu điện ngầm. Anh N. H. check trên app kakao thấy từ ga này chỉ cần đi 1 tuyến là đến Dong Daemun. Chúng tôi quyết định “chơi xấu”, vừa đi bus, vừa đi tàu điện ngầm. Có sao đâu, cuộc đua vui vẻ thôi mà, miễn là đến trước là được.

Nhưng rủi thay, khi xuống dưới ga tàu thì anh N. H. nói chuyện với một người phụ nữ trung niên. Bác này cũng nói được chút ít tiếng Anh, khi nghe anh N. H. nói Dong Daemun thì lại hiểu nhầm sang một địa điểm khác. Bác rất nhiệt tình chỉ cho chúng tôi chuyến nào đến điểm đó. Tôi nghe bác nói, cảm giác đó không phải Dong Daemun mà là Dong Jeongneun hay là Dong Bongwun hay là Dong Daeok gì đó, nhưng nghĩ có thể mình phát âm sai Dong Daemun còn người bản địa nói như vậy, nên vẫn nghe theo. Chúng tôi lên tàu điện ngầm, và chỉ khi trên biển ga đến tiếp theo hiện lên cái tên không phải Dong Daemun, chúng tôi mới biết là mình đã nhầm.

Ra khỏi ga, lên mặt đất, chúng tôi check trên map và đã bị đi ngược lại đường tới Dong Daemun một quãng xa. Thậm chí còn xa hơn cả điểm xuất phát. Vậy là chúng tôi lại phải lên bus để đi lại. Lần này chỉ cần đi một chuyến bus đến điểm gần Dong Daemun rồi đi bộ. Khi chúng tôi lên xe, ban đầu tôi ngồi ở trên. Xong có mấy học sinh tầm cấp ba, hoặc sinh viên lên xe nên tôi nhường chỗ cho một nữ sinh. Bạn nữ cảm ơn. Tôi không rõ ở Hàn Quốc có hay nhường ghế không, như ở Nhật Bản thì người ta sẽ không nhường ghế cho người cao tuổi bởi với họ, như vậy là xúc phạm tới danh dự người cao tuổi. Nhưng tôi vẫn cứ nhường, hãy xem như việc nhường ghế là nét văn hóa giao thông công cộng Việt Nam đi.

Tôi xuống ghế bên dưới xe ngồi. Trên đường đi luôn check map xem đến đâu rồi. Sau một chặng đường, chúng tôi mới đi qua điểm xuất phát lúc đầu, tức chỗ tinh dầu thông đỏ. Chúng tôi đã tốn 2 lần chờ bus, một tuyến xe bus, một tuyến tàu điện ngầm và 15 phút đi bộ để trở về điểm xuất phát.

Sau đó, có một người phụ nữ bản xứ lên xe, ngồi cạnh tôi. Cô này mặc quần áo không giống người thành thị, trên tay cũng cầm bao tải hay gì đó như hàng buôn. Có lẽ là một người tỉnh khác đến Seoul buôn bán hoặc đến mưu sinh ở Seoul. Để ý kỹ thì tàu điện ngầm đa số là người trẻ: học sinh, sinh viên, người làm việc văn phòng công sở… Còn xe bus thì lại ít học sinh, sinh viên hơn, và đa số là người già hoặc những người lao động trông có vẻ vất vả hơn, hoặc người trông có vẻ ở tỉnh lẻ. Điều này cũng hợp lý bởi giá vé bus thấp hơn tàu điện ngầm, mà di chuyển lại thuận tiện hơn, do bus đi vòng quanh thành phố, nhiều điểm đỗ, trong khi tàu điện ngầm chỉ có những điểm đỗ cố định rải rác ở những điểm quan trọng.

Cô ngồi cạnh thấy tôi mở app và check liên tục, đoán chừng tôi là người nước ngoài nên quay sang hỏi chuyện. Tôi không nhớ rõ lắm, nhưng cô có hỏi đi đâu này nọ. Toàn bộ bằng tiếng Anh bồi. Tiếng Anh của cô này không tốt bằng hai người nói chuyện với tôi ở hiệu sách hay những người bán hàng tôi từng tiếp xúc, nhưng với một người có tuổi trung niên, lại có vẻ là người dân lao động thì việc cô nói được tiếng Anh cũng khiến tôi khá bất ngờ. Trước đây, nhiều người nói rằng người Hàn, Trung, Nhật nói tiếng Anh kém và không nói tiếng Anh. Nhưng tôi thấy ở Seoul mặt bằng chung hầu hết những người tôi giao tiếp, người làm trong lĩnh vực bán hàng, du lịch thì không nói, nhưng cả những người vô tình gặp ngoài đường, đều nói được tiếng Anh sơ sơ và không ngại giao tiếp. Sự thật là khả năng nói tiếng Anh của họ có lẽ hơn hẳn người Việt cùng độ tuổi. Ở Việt Nam, thường những người trung niên không biết gì về tiếng Anh, không giao tiếp được với người nước ngoài. Thậm chí, nhiều người trẻ, là học sinh, sinh viên, 12 năm học tiếng Anh, còn không giao tiếp được với người nước ngoài ấy chứ.

Trên đường đi, xe bus đi ngang qua cổng thành Dongdaemun (Đông Đại Môn). Đây là một cổng lớn dẫn vào Gyeongbukgung mà chúng tôi tham quan ngày hôm qua.

Chúng tôi xuống ở điểm dừng trước khách sạn JW Marriott Dongdaemun Square Seoul. Từ đó, chúng tôi đi bộ là đến Quảng trường Dongdaemun Square. Lúc bấy giờ trời chưa tối, nhưng đứng ở Dongdaemun Square cũng có cảm giác như đang ở New York Times Square. Xung quanh là những trung tâm thương mại cao tầng, với nhiều màn hình LED cỡ lớn chiếu quảng cáo. Có nhiều thương hiệu lớn đặt tại đây như Adidas, Zara, Samsung… Chúng tôi đi vào trung tâm thương mại lớn nhất ở Dongdaemun Square. Tại đây, 2 nhóm của chúng tôi hội ngộ nhau. Nhóm kia cũng chỉ vừa mới đến. Và chúng tôi nhận ra đoàn đi theo tour mà chúng tôi tách ra thậm chí đã đến đây trước cả chúng tôi.

Tại đây, chúng tôi tách riêng ra để đi mua sắm. Mấy người bạn trong nhóm chúng tôi quan tâm tới quần áo, giày, thời trang vì có nhiều mẫu không có ở Việt Nam, nhưng tôi không giành tiền cho những món đồ đó. Tôi vẫn quan tâm tới mấy món ăn và quà đem về, cho gia đình, họ hàng, đồng nghiệp. Tôi vào trong một siêu thị tên là No Brand. Ở đây có đa dạng nhiều đồ thực phẩm, gia dụng. Ở siêu thị cũng có nhiều đồ thực phẩm, gia dụng do chính No Brand làm, và dĩ nhiên là…không có thương hiệu. Điều tôi thấy thú vị là ở trong siêu thị này bày bán cafe G7 của Trung Nguyên. Cafe Việt Nam thì đã nổi tiếng từ lâu, nhưng thấy một sản phẩm cafe hòa tan Việt Nam bán ở trung tâm thương mại lớn bậc nhất Seoul như này cũng là một điều thú vị. Tôi chọn một vài món snack, khoai tây chiên và vài món ăn khác mua về làm quà. Tôi thấy quà này thích hợp cho tập thể đồng nghiệp vì liên hoan được. Khi tôi đem đồ ra thanh toán, nhân viên siêu thị hỏi tôi có muốn mua túi không. Như đã nói từ trước, ở đây túi là phải mua. Anh ta hỏi tôi mua túi nilon hay túi vải, tôi thấy túi vải cũng không mắc nên mua túi vải. Túi vải mang hiệu No Brand luôn. Túi khá to và bền. Đến giờ là 2 năm sau chuyến đi, tôi vẫn sử dụng túi vải này để đựng bộ giáp tập Kendo mỗi buổi đi tập.

Sau khi mua sắm, chúng tôi đi ăn tối. Địa điểm là ở một nhà hàng đồ Hoa ở một tòa nhà mà toàn người Trung Quốc. Mới bước vào tòa nhà là một không gian chợ gợi nhớ đến chợ Đồng Xuân, hay chợ Bến Thành, đều mang một phong cách dân dã, khác hẳn với khung cảnh mấy ngày qua tôi thấy ở Seoul. Đi thang máy lên cũng toàn người Trung Quốc ở xung quanh.

Tôi không thích món lẩu lắm, vả lại cũng giành bụng để tối đi trải nghiệm đồ ăn đường phố nên không ăn nhiều, chỉ ăn tạm chút ít rồi chuẩn bị đi tiếp.

Đến tối, cả đoàn về khách sạn, còn nhóm chúng tôi ở lại Dongdaemun để đi chơi tới đêm. Chúng tôi đi dạo ở quảng trường. Lúc này các biển quảng cáo và màn hình LED cỡ lớn sáng rực, trông càng hiện đại và giống New York Times Square hơn. Trên màn hình LED lớn thỉnh thoảng chiếu teaser phim Shazam! và Godzilla: King of Monsters sắp chiếu vào tháng sau.

Chúng tôi mua vài xiên thịt, cá viên chiên ở mấy gian đồ đường phố bán ngay ở quảng trường.

Sau đó, chúng tôi đi vào một trung tâm nghệ thuật, với kiến trúc ấn tượng trông tựa con cá voi khổng lồ.

Sau khi dạo chơi quanh Dongdaemun Square, chúng tôi quyết định đi tàu điện ngầm để đến Myeongdong. Myeongdong là con phố ẩm thực đường phố về đêm nổi tiếng ở Seoul, thu hút nhiều người trẻ đến chơi vào mỗi buổi tối tới đêm. Vậy là chúng tôi mua vé rồi vào ga tại tàu điện ngầm, đi đến Myeongdong. Tại ga Myeongdong, tôi gặp sự cố và cũng trở thành kỷ niệm đáng nhớ nhất trong chuyến đi Hàn Quốc này.

Lúc đó, chúng tôi đang quẹt thẻ để ra khỏi ga. Ở Seoul cũng như các ga tàu điện ngầm ở các nước khác, đề có lối ra chắn hàng rào, ra vào phải quẹt thẻ. Chúng tôi lần lượt ra thì khi đến tôi quẹt thẻ, cửa mở ra nhưng người đi trước vừa mới qua khiến tôi tưởng chưa được nên nhấc thẻ ra, quẹt lại lần nữa.

Tai họa bắt đầu từ đó, bởi thẻ chỉ nhận duy nhất 1 lần. Khi tôi quẹt lại thì cửa đã đóng lại và không mở ra nữa. Tôi kẹt lại ở phía bên trong hàng rào, trong khi tất cả bạn bè đều đã qua phía bên kia. Tôi lo lắng nhìn xung quanh và cầu cứu người gần nhất. Đó là một người đàn ông trung niên, nhưng có vẻ ông ấy không biết tiếng Anh nên khi tôi vừa hỏi đã lắc đầu. Tôi quay lại tìm kiếm người khác, khi đó thấy một bạn nữ người phương Tây, tóc vàng, cũng quẹt không được, cứ tưởng mình có “bạn đồng hành” bị mắc kẹt cùng, nhưng không, thẻ bạn ấy chắc gặp vấn đề gì đó rồi lại mở được, chứ không như tôi. Tôi thử quẹt lại mấy lần, nhưng đều không được. Tôi nghĩ đến việc tìm chỗ mua lại thẻ nhưng không biết ở đâu, thậm chí còn không biết là ở khu vực bên trong thì có mua được không vì điểm bán tự động mấy lần trước mua đều ở bên ngoài. Khu vực đó cũng không thấy có bảo vệ hay nhân viên nào để hỏi.

Lúc ấy, thấy một bạn nữ đi qua, trông khá trẻ, chắc có lẽ là sinh viên, hoặc bằng độ tuổi mình. Tôi liền tiến lại và hỏi bạn ấy giúp. Thật may quá, bạn nữ đó biết nói tiếng Anh. Tôi chỉ cho bạn ấy xem vấn đề của mình, thử quẹt thẻ nhưng không được. Lúc ấy có lẽ vẻ mặt tôi cũng khá cuống nên bạn nữ cũng thực sự lo cho tôi. Bạn nữ nghĩ một lúc rồi nói “mình có cách rồi, đi theo mình”. Dĩ nhiên bằng tiếng Anh, khi đó chúng tôi giao tiếp tiếng Anh hoàn toàn bằng phản xạ nên tôi không nhớ chính xác đã nói và nghe câu gì, chỉ nhớ nghĩa tiếng Việt là như vậy.

Tôi nghĩ bạn nữ biết chỗ mua lại thẻ, bèn đi theo. Nhưng hóa ra không phải. Đó là một khu vực riêng, lối ra vào rộng hơn, hình như là nơi cho phép đông người qua một lúc, áp dụng cho vé tháng hay vé đặc biệt gì đó. Bạn nữ nhìn tôi, bảo: “Bạn đứng cạnh mình, mình quẹt thẻ, rồi chúng ta bước qua cùng 1 lúc nhé.”

Khoảnh khắc đó, mình từ ngỡ ngàng đến cảm thấy bạn nữ đó dễ thương vô cùng. Không chỉ cứu mình 1 bàn thua trông thấy, mà còn cứu bằng một cách khá dễ thương và ấn tượng. Mình nghe theo, đứng cạnh bạn ấy. Bạn nữ quẹt thẻ, cửa mở ra, và ngay lúc ấy, cả hai đứa bước qua. Khi sang đến phía bên kia, mình không biết nói gì hơn, ngoài cúi đầu và cảm ơn, bằng cả tiếng Anh và tiếng Hàn. Gamsa hamita! Nhóm bạn của mình cũng tiến lại và cảm ơn bạn nữ ấy.

Sau đó, chúng mình đường ai nấy đi, nhưng hình ảnh bạn nữ dễ thương đã cứu mình khỏi mắc kẹt vẫn hiện hữu trong tâm trí mình suốt những ngày còn lại ở Hàn Quốc, và đến tận bây giờ vẫn là một kỷ niệm khó phai.

Đến Myeongdong, nhóm chúng tôi tách ra đi riêng. Tôi một mình một lối, đi vào giữa dòng người đông đúc. Đây là một tuyến phố đêm đông đúc, náo nhiệt ở Seoul, với sự kết hợp của những cửa hàng cóc bán đồ ăn, đồ lưu niệm, quần áo… và cả các cửa hàng chính hãng lớn như Zara, Nike, Adidas… ở bên đường. Khung cảnh trông giống với bộ phim Itaewon Class sau này công chiếu trên Netflix.

Có một vài hàng quán làm mấy món ẩm thực đường phố trông khá hay, tôi định quay lại nhưng vừa giơ máy lên thì họ gạt tay ra hiệu không quay video nên tôi không quay nữa.

Có một quán cafe là Cat cafe khá dễ thương, có cả mèo ở trên đó nhưng vì lúc đó tôi bận đi tìm đồ lưu niệm mua nên không ghé vào.

Trên đường đi, tôi gặp một người bán đồ lưu niệm trên một chiếc xe kéo. Tôi nói chuyện với anh ta và sau một hồi xem xét, tôi mua vài món đồ lưu niệm. Tôi hỏi anh ta có giấy hanji không thì anh ta bảo không có. Sau đó, tôi rẽ vào một cửa hàng siêu thị mini mua thêm vài món đồ làm quà. Tôi cũng rẽ vào một quán bán đồ lưu niệm mà trang trí thang máy khá dễ thương.

Sau khi lang thang một mình ở Myeongdong, chúng tôi cùng hẹn nhau tại một điểm. Tôi chọn quán cafe ở một ngõ đối diện với cửa hàng Zara, là một nơi dễ tìm. Chúng tôi gọi cafe và đồ uống. Đây là lần đầu tiên tôi uống cafe ở Hàn Quốc, nhìn chung đồ uống cũng là các loại latte, capuccino. Giá của một cốc cafe ở đây khoảng 130.000đ, không phải quá cao bởi nơi đây là một trung tâm đông đúc và quán cafe này khá lớn, nằm ở trung tâm, có view nhìn thẳng ra phố.

Khi H. tới nơi, có một câu chuyện vui mà sau đó đã trở thành kỷ niệm của cả chuyến đi. H. khoe với chúng tôi vừa mua được quà lưu niệm là bộ móc khóa hình tiền của Hàn Quốc với giá 3.000 won, có khoảng 3 cái. Một cách vô tình, tôi cũng vừa mua bộ móc khóa hình tiền, với 10 cái, nhưng giá chỉ 5.000 won. Vậy là câu chuyện mua “hớ” của cậu em trở thành chủ đề đùa của cả nhóm, không chỉ trong hôm nay mà còn tiếp tục trong những ngày sau đó, khi trở về Việt Nam.

Tầm hơn 11h, chúng tôi bắt đầu ra về, bởi chuyến tàu cuối là 00:00. Khi này, con phố nhộn nhịp đông đúc lúc tối đã vãn, người thưa thớt và một số cửa hàng bắt đầu đóng. Điều này làm tôi có chút ngạc nhiên vì cứ nghĩ một địa điểm đông đúc khách tham quan, du lịch như này sẽ mở và đông đúc tới tận đêm cơ.

Chúng tôi lên tàu điện ngầm và trở về khách sạn. Lần này không có bất cứ trục trặc nào. Dĩ nhiên, tôi đã rút được bài học để quẹt thẻ tàu điện ngầm đúng cách. Vậy nhưng, từ lúc đó tới lúc trở về, trong đầu tôi vẫn nhớ tới bạn nữ đã cứu tôi khỏi mắc kẹt tại ga tàu điện ngầm lúc tối.

Vậy là chỉ ngày mai thôi sẽ là ngày cuối cùng chúng tôi ở Hàn Quốc và trở về Việt Nam. Thoáng chốc, hành trình đã gần kết thúc.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s